Review sách Đường hầm (Tunnel) So Jae Won – Con kền kền truyền thông và sự đói khát ngông cuồng của cõi mạng

Đường hầm (Tunnel)

“Đám đông tiếp tục làm việc miệt mài, sáng mở mắt ra họ vẫn lên mạng đào xới để săn tìm đối tượng chỉ trích mới. Bằng cách nào đó họ phải giải phóng thú tính đang quằn quại trong người để đạt được cơn khoái cảm.”

Trước khi bắt đầu cuốn sách, người đọc đã được cảnh báo rất rõ ràng: “Đường hầm là một cuốn tiểu thuyết gây khó chịu cho người đọc, bởi nó làm sống lại một cách đau đớn cái thời kỳ dã thú mà chúng ta đã cố gắng lãng quên. Hoặc đôi khi dù biết, nhưng chúng ta vẫn lờ đi và hân hoan đón nhận khoảnh khắc bản thân biến thành loài sói.”

“Đường hầm” bắt đầu bằng niềm hân hoan của một người đàn ông đi làm xa cả tuần, đang trên đường trở về nhà cho kịp ngày sinh nhật của con gái. Một vụ sập hầm bất ngờ xảy đến, khiến người đàn ông mặc kẹt trong căn hầm tối tăm và nóng nực, không có lương thực dự trữ, nước chỉ còn hai chai và pin điện thoại thì chỉ còn một nửa.

Theo một trình tự thông thường, đội cứu hộ được gọi đến để giải cứu, truyền thông kéo đến để đưa tin và tất cả mọi người đều dõi theo vụ tai nạn. Thế nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu quá trình cứu hộ gặp khó khăn và kéo dài tới … cả tháng, điều gì sẽ xảy ra khi vụ việc trở thành tâm điểm chú ý tới mức truyền thông mổ xẻ cả đời tư của người gặp nạn và gia đình anh ta, và điều gì sẽ xảy ra khi lợi ích của rất nhiều người bị ảnh hưởng khi cuộc giải cứu cứ kéo dài mãi, liệu có nên vì một người mà hi sinh nhiều người, hay nên hi sinh một người để cứu lấy mạng của nhiều người?

Có rất nhiều vấn đề xã hội nhức nhối mà độc giả có thể bắt gặp ở một cuốn sách ngắn như “Đường hầm”. Những vụ ăn bớt cắt xén nguyên liệu công trình, sự quan tâm hời hợt của chính quyền, sự soi mói và xâu xé của truyền thông hòng lấy được những tin tức được quan tâm nhất hay sự nhẫn tâm và vô trách nhiệm của những ngón tay gõ phím ngày đêm đang ẩn sau những màn hình lạnh lẽo.

Cuốn sách này có cách viết vừa vặn, không thừa thãi, không lê thê. Dễ thấy cuốn sách mở đầu bằng một tai nạn, được tiếp sức bằng niềm hy vọng, sự khắc khoải và nuối tiếc, dần dần lụi tắt bằng sự tàn nhẫn của thực tế.

“Đường hầm” là tác phẩm đầu tay mà So Jae Won đã giữ kín suốt năm năm. Tác giả đã lựa chọn một tác phẩm khác để xuất bản lần đầu, một tác phẩm mà anh thú nhận rằng “là tác phẩm buộc phải viết để tồn tại trong giới xuất bản vốn lạnh lùng và hiếm khi dành cơ hội cho những nhà văn trẻ”. Mãi sau khi được công chúng đón nhận, tác giả mới có đủ dũng cảm và tự do để xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay đầy tính công kích “Đường hầm”.

Nếu có một ngày bạn bỗng nhiên muốn đọc một thứ gì đó vừa hư cấu lại vừa thực tế đến cay nghiệt, hãy nhớ đến cuốn sách “Đường hầm”, nơi chỉ một cuộc giải cứu nạn nhân cũng có thể “bắt bệnh” cho cả một xã hội.

Bình luận về bài viết này